LỜI MỞ ĐẦU
Một dấu mốc quan
trọng của đời người là tốt nghiệp đại học, và sinh viên đã đứng trước ngưỡng
cửa ấy với sự lựa chọn nghề nghiệp suốt cuộc đời cho bản thân mình. Và cũng có nhiều bạn sinh viên hỏi tôi về vấn đề đó, là một kiểm toán viên đi trước nên tôi viết bài này có thể giúp các bạn sinh viên mường tượng rõ hơn phần nào về con đường nghề kiểm toán.
SỰ NGHIỆP KIỂM TOÁN
1. Con
đường ta đi
Có nhiều con đường
trong sự nghiệp kiểm toán, nhưng con đường có thể là ngắn nhất mà phù hợp nhất
là với 5 mốc quan trọng: thực tập kiểm toán – trợ lý kiểm toán – kiểm toán viên
– kiểm toán viên hành nghề - thành lập doanh nghiệp kiểm toán. [Bản thân tôi, tôi dừng ở mốc kiểm toán viên và chứng chỉ ACCA (UK) và chuyển sang làm về tài chính.]
2.
Thực tập kiểm toán
Bước thứ nhất, đại
học đã trang bị lý thuyết với các môn kế toán, kiểm toán, nhưng mục tiêu gần
nhất với sinh viên là có được suất thực tập kiểm toán ở một trong các công ty
kiểm toán. Vì nó sẽ cho bạn kinh nghiệm thi tuyển dụng, trải nghiệm các vòng
thi: Vòng hồ sơ, vòng kiểm tra kiến thức, và vòng phỏng vấn, và cho bạn kinh
nghiệm làm việc trong môi trường kiểm toán. Việc thực tập kiểm toán là lần đầu
tiên bạn bước chân vào giới văn phòng chuyên nghiệp. Có rất nhiều lần đầu tiên
trải nghiệm và những thứ bạn cần học: từ trang phục văn phòng lịch sự, chuyên
nghiệp, tư duy lo-gic, đến kỹ năng giao tiếp với các anh chị đồng nghiệp, giao
tiếp với khách hàng. Đối với khách hàng, bạn
cần thể hiện mình là một nhân viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong lĩnh vực
này để tạo được niềm tin với khách hàng, cũng là đối với các anh, chị kiểm toán
viên trong nhóm. Đi công tác gặp phải những tình huống
trớ trêu, khó khăn, không biết giải quyết như thế nào trước mắt thì có anh, chị
đi cùng nhưng khách hàng giám sát. Bản thân thực tập muốn hỏi trực tiếp anh,
chị khó quá vì khách hàng khắt khe, nếu để khách hàng thấy nền tảng kiến thức
mình không chắc thì sẽ bị phản ánh lên Công ty, ảnh hưởng tới hình ảnh Công ty,
về nhà hỏi thì thời gian gấp rút nên áp lực công việc lại đè nặng lên áp lực
thời gian. Và khi bạn phải giải trình GLV hay báo cáo thì áp lực thời gian lại
đè nặng lên áp lực công việc. Kỹ năng Word, Excel là rất cần thiết khi làm việc mà bạn cần trau dồi bởi vì cần
trình bày working paper rõ ràng và xử lý số liệu của những phần hành
thường gặp trong kỳ thực tập như: tiền và tương đương tiền, phải trả và nợ phải
thu, tài sản cố định, chi phí trả trước...
3. Trợ lý kiểm toán viên
Bước thứ hai, nếu bạn hoàn thành tốt kỳ thực
tập và viết luận văn tốt nghiệp ra trường thì bạn đã có đủ tự tin để nộp đơn
tuyển dụng vào các công ty kiểm toán ở vị trí trợ lý kiểm toán rồi. Tuyển dụng
diễn ra vào tháng 6 đến tháng 9 nên bạn cần tận dụng thời gian này để chuẩn bị
cho tuyển dụng, cũng như học tiếng anh để tự tin phỏng vấn hơn, cả về tiếng anh
giao tiếp trong CV, cũng như tiếng anh chuyên ngành Accounting và Auditing. Có
tiếng anh tốt hơn các bạn khác có thể giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Bạn có thể nộp hồ sơ nhiều công ty và nhận được vị trí nhân viên chính thức ở
một công ty. Có thể nỗ lực bạn chưa đủ cạnh tranh, tuy nhiên có 1 số công ty
nhỏ tuyển dụng vào tháng 10-tháng 1 năm sau, bạn cũng có thể nộp đơn để tham
gia ứng tuyển với mục tiêu chọn nghề kiểm toán mà không phải nghề nào khác. Khi
đi làm, khác với nghề kế toán, công việc có tố chất ổn định, ít di chuyển (nếu
có, như cục Thuế, đi ngân hàng,..) trong khi trợ lý kiểm toán phải đi gặp khách
hàng, nên việc đi công tác ở các tỉnh là không thể tránh. Những chuyến công tác
có thể vài ngày hoặc thậm chí là 1, 2 tháng. Đi công tác bạn sẽ được tiếp xúc
nhiều với ban lãnh đạo, kế toán trưởng, CFO các tập đoàn công ty lớn. Đi công
tác, bạn có thể có thêm công tác phí, được tận dụng đi tìm hiểu một tỉnh mới
nhưng bạn sẽ ít về quê gặp bố mẹ và anh chị em hơn, do bộn bề công việc, bạn
cũng ít có thời gian nói chuyện, tụ tập bạn bè, bạn trai/bạn gái. Nếu là con
gái, cuộc sống không ổn định, nay đây mai đó khiến gia đình bạn có phần lo lắng
cho bạn. Tuy nhiên, khi lên cấp cao hơn trong nghề sẽ ít phải di chuyển
hơn. Trải qua 3-4 mùa bận, và các khóa
đào tạo nội bộ ở công ty, bạn cũng tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm cho
mình. Bạn có cơ hội được lên vị trí trưởng nhóm kiểm toán sau 3-4 năm.
4. Trở thành kiểm toán viên
Là một kiểm toán viên, chức vụ cao hơn, kinh
nghiệm nhiều bao nhiêu thì càng trách nhiệm và áp lực bấy nhiêu. Bạn cần phụ
trách phần hành khó như hàng tồn kho, giá thành, doanh thu, lập báo cáo tài
chính, báo cáo kiểm toán, làm việc ở cả 3 giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán,
thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán. Chưa hết, bạn cần hướng dẫn các
thành viên trong nhóm kiểm toán các phần hành mà họ phụ trách, đứng ra đại diện
cho đoàn giao tiếp trực tiếp với giám đốc và kế toán trưởng những phát hiện tìm
thấy khi đi thực địa, trao đổi và tìm giải pháp cho vấn đề. Bạn cũng cần hoàn
thiện báo cáo kiểm toán sơ bộ gửi cho kiểm toán viên hành nghề soát xét và trả
lời các câu hỏi của cấp trên. Áp lực là từ mà bạn đang tưởng tượng ra bây giờ
và sự thật cũng rất áp lực. Làm thêm giờ là chuyện rất bình thường của dân kiểm
toán. Với một số khách hàng có hệ thống phức tạp, hoặc báo cáo deadline chặt,
thường lịch làm việc một ngày là: sáng 7h dậy để đến công ty cho đúng giờ, làm
việc liên tục tại công ty hoặc tại khách hàng đến 9h đêm, đi ăn nhẹ chút gì đó
rồi lại về làm tiếp đến 11h đêm. Nếu như sắp đến hạn phải ra báo cáo thì việc
ngủ lại văn phòng hoặc làm đến 1 hoặc 2h sáng là bình thường. Khi mọi người
chuẩn bị đón chào một năm mới thì là lúc các kiểm toán viên bắt đầu một mùa
kiểm toán bận rộn mới. Đối với các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán các doanh
nghiệp niêm yết, thậm chí mùa bận rộn diễn ra quanh năm khi mà cuộc kiểm toán
cuối năm chưa kịp đóng sổ thì bắt đầu chuẩn bị cho cuộc kiểm toán soát xét bán
niên, rồi kiểm toán 9 tháng. Có lẽ ít có nghề nào căng thẳng và bận rộn như
nghề kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn
chứng khoán, mà chúng bạn chỉ gọi ngắn gọn là kiểm toán niêm yết. Hàng ngày
kiểm toán viên làm việc với khách hàng đến khi trời không còn sáng, trở về văn
phòng tiếp tục với thảo luận nhóm, hoàn thiện hồ sơ, xử lý các vấn đề phát sinh
và chuẩn bị cho sáng sớm ngày hôm sau lại trên từng cây số. Tuy nhiên, áp lực
làm cho bạn trưởng thành hơn, học hỏi, tích lũy được nhiều hơn. Vậy đấy, nghề
Kiểm toán không phải là màu hồng như nhiều ngưởi tưởng. Nhưng bạn nghĩ bạn vẫn
quyết định gắn bó với nó thì chắc chắn vinh quang sẽ đến. Bằng 3 năm tuổi nghề
nhưng nghề kiểm toán sẽ giúp bạn đi nhanh hơn, chững chạc hơn các nghề khác.
Điều đó càng làm bạn vững tin và cố gắng ở thời điểm hiện tại, để biến giấc mơ
thành sự thật: kiểm toán viên hành nghề chuyên nghiệp.
5. Kiểm toán viên hành nghề chuyên nghiệp
Đến thời điểm của 5-6 năm sau, nhìn lại nghề kiểm toán giúp bạn
được đi đây đi đó, với 5
năm kiểm toán, bạn có thể đã đặt chân đến nhiều tỉnh thành của đất nước. Bạn sẽ
chẳng có thể có cơ hội như vậy nếu làm 1 công việc khác, mỗi chuyến đi là 1
trải nghiệm về con người, thắng cảnh, ẩm thực mỗi vùng miền… một trải nghiệm
khá thú vị. Hai là, bạn được tiếp cận đa dạng, bạn được trải qua nhiều loại
hình doanh nghiệp, lớn có, bé có, xây dựng, thương mại, sản xuất đều có ….sau
này bạn có thể tự tin tư vấn cho nhiều doanh nghiệp. Ba là, bạn có cái nhìn
tổng quát số liệu hơn, không bị đi sâu vào 1 phần hành nào đó nên bạn có cái
nhìn tổng quan tốt hơn. Bốn là, bạn tiếp cận nhiều với khách hàng giúp bạn tăng
kỹ năng giao tiếp và tuyết phục khách hàng. Năm là bạn thường xuyên được đào
tạo thu nhập ổn định mặc dù thu nhập không quá cao. Có người nói với bạn rằng,
muốn làm giàu thì đừng làm kiểm toán, tức là làm kiểm toán thu nhập không cao
chỉ cao hơn kế toán một chút.
Bàn về bài toán thu nhập, sau vài năm đi làm ở 1
công ty kiểm toán thì năm đầu sẽ được hưởng lương khoảng 5-6 triệu/ tháng, cuối
năm được hưởng thêm lương KPI khoảng 20 triệu/ năm nữa, tuy nhiên thêm 1-2 năm
tiếp theo bạn có thể cảm thấy áp lực cao dần lên mà thu nhập không đổi, và so
sánh với bạn bè cùng ra trường thì thu nhập hàng tháng có thể chỉ bằng một nửa.
Chúng ta nghĩ lương thấp thì cống hiến làm gì. Nhưng bạn suy ngẫm không nên làm
việc vì tiền vì làm vậy cả đời sẽ chỉ chạy theo tiền mà thôi, lựa chọn cho mình
một mục tiêu sẽ có nhiều tiền và theo đuổi mục tiêu đấy thì tiền sẽ tự về túi
mình.
Nhiều người sẽ rời bỏ
nghề kiểm toán để chuyển sang nghề liên quan khác như kế toán tổng hợp, tài
chính, kiểm soát nội bộ với mức lương cao hơn… nhưng với bạn, bạn thích sự gắn
bó với nghề và bạn đam mê nghề thì lý do gì bạn phải ra đi. Trích dẫn từ 1 KTV
đi trước “Tuổi trẻ không có gì ngoài thời gian và sức trẻ, nếu tuổi trẻ nhàn dỗi
thì về già sẽ căng thẳng”, “Chúng ta không thành công vì chúng ta sống không có
mục tiêu, nếu có mục tiêu rõ ràng thì phấn đấu không ngừng nghỉ 5 năm sẽ thấy
có kết quả rõ rệt, hạnh phúc là theo đuổi mục tiêu của mình và mỗi ngày thấy
mình đến gần mục tiêu hơn”. “Nếu tuổi trẻ làm việc quá chú trọng vào thu nhập
thì có thể nó sẽ là bước ngáng đường bạn trở thành một người thành công. Khi bạn
theo đuổi mục tiêu thì tiền sẽ dần dần đến với bạn”. Đấy là quan điểm của 1 người
theo đuổi mục tiêu là số 1. Nếu ai muốn trở thành 1 người thành công thì hãy lựa
chọn cho mình 1 mục tiêu và cống hiến không ngừng nghỉ cho mục tiêu đó, bạn
nghĩ không quá 5-7 năm bạn sẽ bắt đầu thấy có những thành công nhất định. Tương
lai của bạn sẽ tươi sáng hơn nếu bạn hoàn thành tốt công việc của một kiểm toán
viên và tham gia thi chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề của Bộ tài chính. Với 7
môn thi bạn cần vượt qua để được cấp chứng chỉ. Bạn cũng có thể lựa chọn học các
chứng chỉ quốc tế về kế toán kiểm toán như: ACCA (UK), CPA (Aus), ICAEW.. Cầm chứng
chỉ CPA (VN) trong tay, bạn có thể được ký báo cáo kiểm toán và soát xét báo
cáo của các trưởng nhóm kiểm toán – kiểm toán viên, soát xét toàn bộ cuộc
kiểm toán ở cả 3 giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và kết
thúc kiểm toán. Và thường xuyên tham gia họp cũng như đào tạo nội
bộ, họp và marketing khách hàng.Và cũng vì vậy, thu nhập của bạn với mức lương
chức vụ cao hơn và khoản phụ cấp CPA có thể giúp bạn ổn định cuộc sống trung
lưu ở Hà Nội. Quan trọng nhất bạn cần
thực hiện nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập: không can
thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực
hiện kiểm toán; Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm
toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn,
không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Từ chối thực hiện kiểm toán
trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức
nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp
luật; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm; Thường xuyên
trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp; Thực hiện kiểm toán,
soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo
cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình; Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt
động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tuân
thủ quy định của Luật Kiểm toán độc lập và pháp luật của nước sở tại trong trường
hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài; Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát
chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;
6. Tuân
thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp
Bên cạnh đó, bạn cũng
tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp: độc lập, khách quan, không nhận hoặc
đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ đơn vị được kiểm toán ngoài
khoản phí dịch vụ và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết; không sách
nhiễu, lừa dối khách hàng, đơn vị được kiểm toán; không tiết lộ thông tin về hồ
sơ kiểm toán, khách hàng, đơn vị được kiểm toán, trừ trường hợp khách hàng, đơn
vị được kiểm toán chấp thuận hoặc theo quy định của pháp luật; không thông tin,
giới thiệu sai sự thật về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của
KTV hành nghề và DNKT, không tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản,
lôi kéo, mua chuộc, thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không
lành mạnh khác; không thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai
lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết
quả kiểm toán; không giả mạo, khai man hồ sơ kiểm toán; không thuê, mượn chứng
chỉ KTV và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động
nghề nghiệp; Không cung cấp dịch vụ kiểm toán khi không đủ điều kiện theo quy định
của Luật Kiểm toán độc lập; không hành nghề kiểm toán với tư cách cá nhân;
không giả mạo, cho thuê, cho mượn hoặc cho sử dụng tên và chứng chỉ KTV, Giấy
chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán để thực hiện hoạt động kiểm toán.
7. Khởi
nghiệp
Bước cuối cùng trong sự
nghiệp cho những bạn tham vọng và đam mê với nghề là thành lập doanh nghiệp kiểm
toán. Theo pháp luật hiện hành quy định thì thành lập và trong quá trình hoạt động,
công ty kiểm toán phải có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó
có một thành viên là Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) và ít nhất một thành viên khác.
Có thể sau này luật thay đổi về ít nhất bao nhiêu người CPA, nhưng có nghĩa là bạn
không thể thành lập một mình, bạn cần hợp tác với những đồng nghiệp khác để
cùng thành lập doanh nghiệp kiểm toán uy tín, đúng luật và để cung cấp dịch vụ
chất lượng tới khách hàng ngày một tăng. Bạn sẽ xây dựng doanh nghiệp chuyên
nghiệp, kiểm soát chặt chẽ, văn hóa doanh nghiệp hướng đến con người. Vì theo nghề
dịch vụ kiểm toán, yếu tố con người là quan trọng nhất: về nghiệp vụ chuyên môn
phải giỏi và về đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực, chuyên nghiệp. Đó là yếu tố cốt
lõi trong văn hóa doanh nghiệp bạn sẽ xây dựng trong tương lai, 7-10 năm tới
khi bạn hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để thành lập doanh nghiệp kiểm toán.
Ngoài kiểm toán, bạn sẽ thành lập các phòng ban về tư vấn thuế, thẩm định giá,
tư vấn pháp luật. Đó là các dịch vụ đi kèm. Bạn muốn một doanh nghiệp khi thuê
dịch vụ: từ dịch vụ thành lập doanh nghiệp, kế toán, thuế, kiểm toán, pháp lý họ
đều nghĩ đến chúng bạn và chúng bạn là nhà cung cấp. Bạn luôn đảm bảo tính độc
lập là các dịch vụ sẽ tách bạch, tuân thủ chuẩn mực kiểm soát chất lượng, các
phòng ban sẽ tiến hành độc lập, đội ngũ chuyên gia và giám đốc là độc lập, cũng
như lưu trữ chứng từ bí mật và độc lập. Bạn mong muốn doanh nghiệp kiểm toán của
bạn sẽ ngày một phát triển, thành công và mang lại giá trị gia tăng cho các
doanh nghiệp nói riêng, và sự minh bạch cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Để đi đến mục tiêu cuối
cùng, chúng ta đều biết hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng nghề kiểm toán nghiệp
vụ thực sự không khó, mà yếu tố khó là sự đam mê, sự tuân thủ đạo đức, chăm chỉ,
cẩn thận. Đó là các phẩm chất trong tính cách bạn, vì vậy bạn sẽ luôn ấp ủ, cố
gắng, đi đúng hướng con đường mà bạn đã chọn.
KẾT
LUẬN
“Không khổ sao có sướng,
không thất bại sao có thành công. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành…
đời sau…!” Chúng ta muốn khởi nghiệp thì chúng ta cần trải qua và vượt qua con
đường gian nan ấy, bằng đôi chân trần, bằng đôi tay, khối óc và nghị lực hơn nữa.
Bởi chẳng ai trao cho bạn “trái ngọt” khi ta chờ nó “rụng”.
Tóm lại, 7-10 năm không
phải quãng thời gian quá dài cũng không hề ngắn, nó là một khoảng thời gian để
mỗi con người rèn luyện, học tập và có thể bước đi vững chắc trên con đường kiểm
toán độc lập chuyên nghiệp và khởi nghiệp. Hãy giữ vững tâm lý, mục tiêu cũng
như sự kiên trì để có thể vượt qua những khoảng thời gian thử thách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét